Hãy cùng 3BDesign tìm hiểu Mác bê tông là gì? Các loại Mác bê tông trong xây dựng.
1. Bê tông là gì?
Bê tông là một loại vật liệu xây dựng được tạo ra bởi hỗn hợp các loại vật liệu khác nhau trong đó chủ yếu là đá, cát, xi măng, nước… và phụ gia nếu có được trộn với nhau theo 1 tỉ lệ nhất định.
2. Mác bê tông là gì?
Mác bê tông là đơn vị chỉ cường độ chịu nén của bê tông. Chúng ta thường nghe bê tông Mác 200 (M200) hoặc mác 250 (M250)… nghĩa là cường độ chịu lực của bê tông là 200kG/cm2 hoặc 250kG/cm2… Chỉ số này càng cao nghĩa là cường độ chịu nén của bê tông càng cao.
3. Các loại Mác bê tông trong xây dựng
Tùy theo từng công trình mà người ta thiết kế các cấp độ mác bê tông khác nhau, trong các công trình dân dựng sử dụng phổ biến mác bê tông từ M200-M300. Đối với các công trình quan trọng hoặc các kết cấu phức tạp như trụ, dầm cầu, trụ va tàu… có thể thiết kế mác bê tông lên đến M600 hoặc cao hơn nữa.
Việc thiết kế các loại mác bê tông này chính là việc thay đổi tỉ lệ thành phần các chất trong hỗn hợp bê tông.
Bê tông hiện nay được áp dụng hầu hết trong các công trình xây dựng chính vì thế việc thiết kế hàm lượng các chất tham gia trong thành phần hỗn hợp bê tông đã được tiêu chuẩn hóa và áp dụng rất rộng rãi.
Dưới đây là ví dụ về 1 số cấp phối mác bê tông theo tiêu chuẩn của bộ xây dựng chúng ta có thể tham khảo:
4. Có những cách trộn bê tông nào?
Bê tông trộn tay: Bê tông trộn tay được thi công thủ công, phù hợp với những nơi có địa hình chật hẹp, khối lượng thi công ít.
Bê tông trộn tay có ưu điểm tính linh động cao, dễ thi công tuy nhiên chỉ thuận thiện đối với khối lượng thi công nhỏ, thời gian thi công lâu và khó kiểm soát chất lượng.
Bê tông trộn máy: Bê tông trộn bằng máy trộn giúp tiết kiệm sức lao động và tăng độ đồng đều của hỗn hợp bê tông nhưng các máy trộn tại hiện trường có khối lượng nhỏ và việc kết hợp cốt liệu phụ thuộc vào con người nên năng suất có hạn và việc kiểm soát chất lượng cũng không thực sự chính xác.
Bê tông thương phẩm tại trạm trộn: Các trạm trộn có máy móc hiện đại và quy trình kiểm soát chất lượng tốt nên chất lượng bê tông đảm bảo, có thể thi công với khối lượng lớn trong thời gian ngắn. Vấn đề duy nhất là khoảng cách từ trạm trộn đến công trình nhưng hiện nay số lượng trạm trộn bê tông khá nhiều nên vấn đề này cũng không phải vấn đề lớn trong thi công bê tông.
Kiểm tra chất lượng bê tông
Việc kiểm tra chất lượng bê tông được thực hiện trước, trong và sau quá trình thi công.
Trước khi thi công:
Thiết kế cấp phối: Cấp phối bê tông được thiết kế theo tiêu chuẩn, tùy theo kết cấu công trình mà đơn vị thiết kế chọn mác bê tông cho phù hợp.
Kiểm tra cốt liệu: Sau khi có thiết kế cấp phối sẽ tiến hành kiểm tra cốt liệu xem có phù hợp với cấp phối bê tông đã được thiết kế hay chưa, có đạt tiêu chuẩn về độ sạch, tính đồng nhất…
Đúc và nén mẫu thử: Đối với các công trình quan trọng thì cần đúc mẫu để kiểm tra trước khi thiết kế cấp phối và mẫu vật liệu được chọn để thi công đại trà. Đối với công trình dân dụng, khối lượng nhỏ (nhà dân) thì chủ yếu chọn mua của các đơn vị cung cấp bê tông thương phẩm trên thị trường và lựa chọn theo niềm tin của người tiêu dùng với đơn vị cung cấp.
Trong khi thi công:
Kiểm tra thời gian trộn bê tông tới lúc thi công bê tông: Thời gian thi công bê tông từ lúc trộn đến khi đổ bê tông tối đa không được quá 3h vì khi đó bê tông bắt đầu thủy hóa và linh kết, nếu thời gian chờ kéo dài chất lượng của bê tông sẽ bị giảm và ảnh hưởng đến chất lượng công trình.
Kiểm tra độ sụt của hỗn hợp bê tông: Độ sụt bê tông là đại lượng để đo độ nhão, chảy của bê tông. Độ sụt của bê tông cũng đồng thời phản ánh độ cứng, tính lỏng và tính ẩm ướt của bê tông. Độ sụt được kiểm tra tại công trường trước khi lấy mẫu thử và thi công bê tông bằng các dụng cụ chuyên dụng.
Đối với các công trình dân dụng không có yêu cầu gì đặc biệt độ sụt của bê tông thường được thiết kế trong khoảng 12±2 cm.
Lấy mẫu thử bê tông: Bê tông trước khi thi công được lấy mẫu tại công trường bằng các khuôn đúc mẫu hình hộp 150mmx150mmx150mm hoặc hình trụ tròn D150mmxH300mm (D: Đường kính, H: chiều cao).
Kiểm tra quá trình bảo dưỡng bê tông: Quá trình bảo dưỡng bê tông được thực hiện sau khi thi công do bê tông tỏa nhiệt trong quá trình thủy hóa, nếu không được bảo dưỡng đầy đủ dễ đến tình trạng co ngót không đều, nứt… làm giảm chất lượng bê tông.
Sau khi thi công
Kiểm tra bề mặt bê tông: Bề mặt bê tông được kiểm tra thường xuyên cùng với quá trình bảo dưỡng bê tông để có thể xử lý nếu phát hiện bất thường.
Thí nghiệm nén mẫu để kiểm tra cường độ bê tông: Việc nén mẫu bê tông là khâu cuối cùng để đánh giá chất lượng bê tông. Mẫu thường được nén sau 28 ngày (là thời gian bê tông đạt được cường độ 100%) hoặc tùy theo yêu cầu về thời gian thi công, thử cường độ nếu có phụ gia…