Trong xây dựng hiện nay nền móng công trình là bộ phận rất quan trọng cho sự bền vững của công trình. Cùng với đó nền móng của mỗi công trình sẽ được chia thành nhiều loại và nhiều hình dạng đề phù hợp với từng loại công trình khác nhau.
Tương ứng với từng loại nền móng là từng loại cọc khác nhau về hình thức và cách thức thi công. Chúng ta cùng tìm hiểu về cọc trong xây dựng công trình và nhà ở.
Chưa có đánh giá nào
Các loại cọc trong xây dựng làm việc như thế nào?
Cọc chịu lực nén của phần kết cấu bên trên công trình vì thế nó chịu tải dựa trên ma sát của thân cọc với nền đất tiếp xúc và sức chịu tải của mũi cọc. Với các loại cọc khác nhau thì công thức tính sức chịu tải cũng khác nhau.
Trong xây dựng hiện nay có những loại cọc phổ biến sau đây:
Các loại cọc trong xây dựng:
Cọc khoan nhồi
Cọc khoan nhồi là gì?
Đây là loại cọc làm việc chủ yếu dựa trên sức chịu tải của mũi cọc với phần đất nền tiếp xúc vì vậy đòi hỏi cọc phải được khoan xuống nền địa chất tốt (đá, cát chặt…)
Cọc khoan nhồi được thi công bằng cách khoan các lỗ khoan và đổ bê tông cốt thép xuống lòng đất để tạo thành các khối bê tông cốt thép chịu tải trọng cho phần kết cấu bên trên của công trình xây dựng.
Quy trình thi công cọc khoan nhồi
– Định vị trí cọc: Đây là công tác rất quan trọng giúp thi công cọc đúng vị trí, đảm bảo điều kiện làm việc của cọc sau này.
– Khoan lỗ và hạ ống vách: lỗ cọc được khoan bằng các loại máy móc chuyên dụng cho tới khi đạt được độ sâu cần thiết, cùng với đó ống thành vách cọc sẽ được hạ xuống tùy theo biện pháp thi công.
– Vệ sinh hố khoan: Công tác vệ sinh hố khoan là 1 bước khá quan trọng trong quá trình thi công cọc khoan nhồi. Nó đảm bảo cho việc thi công bê tông cọc sau này đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết. Thông thường cọc khoan nhồi được làm sạch bằng cách thổi rửa hố khoan hoặc bằng dung dịch bentonite (Tùy theo yêu cầu của công trình mà có thể cần phải làm các thí nghiệm để kiểm tra dung dịch bentonite đạt được các chỉ tiêu về độ sạch).
– Thi công lồng thép: Lồng thép được gia công tại chỗ theo thiết kế và được hạ xuống bằng các hệ thống cẩu, cần trục và phải được cố định bằng các quang treo và định vị bằng các con kê, cữ để tránh xê dịch.
– Đổ bê tông cọc: Dùng ống rút thẳng đứng để đổ bê tông cọc khoan nhồi. Trong quá trình đổ bê tông cọc khoan nhồi, ống luôn luôn ngập trong bê tông từ 2m-5m và ống này sẽ được rút lên dần trong quá trình đổ bê tông.
– Kiểm tra chất lượng cọc khoan nhồi: Cọc khoan nhồi có thể được kiểm tra bằng hệ thống siêu âm, khoan rút lõi bê tông cọc để thí nghiệm hoặc thí nghiệm cọc theo phương pháp biến dạng
Ưu nhược điểm của cọc khoan nhồi
Ưu điểm
Có sức chịu tải lớn, phù hợp với công trình cao tầng, có tải trọng lớn;
Không gây ảnh hưởng đến các công trình xung quanh khi thi công;
Có thể thi công trong các khu vực có điều kịa địa chất cứng, phức tạp;
Giảm thiểu khâu trung chuyển, vận chuyển cọc do có thể thi công tại chỗ;
Có thể xác định được độ sâu của cọc dễ dàng, kiểm soát được điều kiện làm việc của cọc.
Nhược điểm
Khó kiểm tra, kiểm soát chất lượng cọc và các sự cố trong quá trình thi công;
Yêu cầu kỹ thuật cao, máy móc hiện đại trong quá trình thi công;
Tạo nhiều bùn lầy, ảnh hưởng đến môi trường trong quá trình thi công;
Giá thành cao.
Cọc bê tông cốt thép thường
Cọc bê tông cốt thép thường có dạng hình vuông hoặc tròn. Loại cọc này thường được sản xuất sẵn tại những xưởng sản xuất hoặc xưởng đúc cọc sẵn.
Cọc được đóng hoặc nén xuống đất bằng các loại máy móc chuyên dụng như búa đóc cọc hoặc máy nén tải trọng lớn. Chiều dài cọc phụ thuộc vào địa chất và quy mô công trình. Cọc thường chia thành các đoạn ngắn để thuận tiện cho quá trình vận chuyển và thi công cọc.
Hiện nay cọc thường có tiết diện từ 0,2 -0,4m, chiều dài cọc thường nhỏ hơn 11,7m (là chiều dài tiêu chuẩn cây thép xây dựng). Bê tông dùng cho cọc mác từ 250 – 350. Cọc có bản mã ở đầu hoặc cuối để nối các đoạn cọc với nhau.
Ưu điểm:
Giá thành thấp;
Khả năng chịu lực lớn;
Độ bền cao;
Tính linh động cao trong quá trình thi công.
Nhược điểm
Thi công phức tạp;
Dễ gây ảnh hưởng đến các công trình bên cạnh trong quá trình thi công;
Tính linh động thấp khi không gian thi công hẹp;
Dễ xảy ra sự cố đối với các công trình có điều kiện địa chất phức tạp.
Cọc bê tông ứng suất trước
Cọc bê tông ứng suất trước hay còn gọi là bê tông dự ứng lực được tạo ra từ việc kết hợp quy trình sản xuất bê tông và phương pháp kéo căng cốt thép ứng suất trước để tạo ra độ nén cao nhất của bê tông.
Cốt thép trong bê tông ứng suất trước có cường độ cao và được kéo căng đến giá trị nhất định khiến cho kết cấu bê tông dự ứng lực bị biến dạng giúp cho sản phẩm có thể chịu tải trọng lớn hơn và làm việc trong điều kiện phức tạp hơn so với bê tông cốt thép thông thường.
Cọc bê tông ứng suất trước có thể có hình dạng vuông, tròn, tam giác… nhưng được dùng phổ biến nhất vẫn là cọc có dạng hình trụ tròn.
Ưu điểm
Độ bền cao, chống ăn mòn tốt;
Sản phẩm khó bị vỡ, hỏng, biến dạng trong quá trình vận chuyển và sử dụng;
Tiết kiệm được sắt thép;
Có thể thi công cọc xuyên qua các tầng địa chất cứng.
Nhược điểm
Chi phí đầu tư máy móc, phương tiện kỹ thuật thi công cọc cao;
Vận chuyển khó khăn.
Cọc tre
Khác với các loại cọc ở trên, cọc tre không được tính là 1 giải pháp chịu tải mà chỉ có tác dụng gia cố nền đất yếu vì vậy nó phù hợp với các công trình không quá quan trọng, thấp tầng và có tải trọng công trình thấp.
Ưu điểm:
Giá thành rẻ;
Dễ thi công;
Vật liệu phổ biến, dễ kiếm.
Nhược điểm
Độ bền không cao;
Khả năng chịu tải trọng kém.
Các loại cọc phổ biến trong xây dựng nên sử dụng cọc nào?
Qua bài viết trên bạn có thể đã tìm hiểu được ưu nhược điểm của từng loại cọc trong xây dựng. Sơ bộ, bạn có thể lựa chọn được loại cọc phù hợp với nhu cầu của bạn. Nếu cần tư vấn, bạn có thể liên hệ các kiến trúc sư để có thể được hỗ trợ chính xác nhất. Bạn cũng có thể liên hệ 3B Design để được tư vấn miến phí nhé!